Alex Osterwalder và Yves Pigneur viết về Mô hình Kinh doanh Canvas trong cuốn sách Business Model Generation năm 2009, hai tác giả cũng thú thực họ chưa lường hết được những ứng dụng vô cùng to lớn của Mô hình kinh doanh Canvas. Với sức mạnh của mô hình Canvas, cuốn sách như nguồn cảm hứng để mô hình Canvas được ứng dụng sáng tạo ngày càng rộng lớn bởi cộng đồng Canvas toàn cầu.
Việc sử dụng mô hình kinh doanh Canvas giúp doanh nghiệp nhìn rõ bức tranh toàn cảnh theo 09 mảng chức năng và sâu chuỗi 3 tầng Quản trị doanh nghiệp là Chiến lược (mục tiêu/định vị), Chiến thuật (Thiết kế/tổ chức), Vận hành(thực thi/tác nghiệp). Để hiểu hơn về sức mạnh của một mô hình được tối giản hóa nhưng lại có ứng dụng vô cùng sâu rộng vào đời sống quản trị kinh doanh của doanh nghiệp chúng ta cùng tìm hiểu 14 mảng ứng dụng của mô hình Canvas:
1. Hoạch định chiến lược song hành với kế hoạch phát triển
Mô hình kinh doanh Canvas giúp các doanh nhân hoạch định bản kế hoạch chi tiết chiến lược của doanh nghiệp. Mô tả việc hoạch định chiến lược trong quá khứ hoặc lộ trình phát triển chiến lược cho tương lai với việc dễ dàng thay đổi 1 trong 9 ô Canvas sau đó xem xét đến mối quan hệ tương quan của chiến lược, mô hình cũng giúp lôi kéo các bộ phận tham gia vào việc đóng góp xây dựng chiến lược và thảo luận từ ban lãnh đạo tới đội ngũ điều hành. Khi doanh nghiệp có nhiều đơn vị hoặc dự án kinh doanh tách rời, Canvas cũng giúp làm sáng rõ chiến lược của các mảng này.
2. Bản đồ theo dõi và đo lường KPI
Hãy thử tưởng tượng 9 ô của mô hình Canvas giờ đây là các bảng biểu mô tả những chỉ số quan trọng nhất trong hoạt động quản trị doanh nghiệp, với màu xanh lá cây nếu vượt hiệu suất, màu cam nếu có cái gì đó cần xem xét, và chuyển sang màu đỏ nếu có vấn đề cần xử lý. Điều này hoàn toàn hợp lý bởi mô hình Canvas sinh ra để dành cho những mảng trọng yếu nhất, với những hoạt động quan trọng nhất của doanh nghiệp mà việc thiếu 1 mảng thì như cơ thể thiếu đi một chức năng vì vậy hãy gắn nó với những chỉ số để theo dõi sự vận hành như một cơ thể khỏe mạnh.
3. Trả lời bạn hiểu đối thủ đến đâu?
Bằng việc phác họa ra mô hình Canvas của đối thủ cạnh tranh sẽ giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về những ưu điểm, hạn chế, khó khăn những gì có thể làm và những gì không thể của đối thủ. Từ đó hiểu hơn về tình hình cạnh tranh và cho phép bạn có những hành động phù hợp và thiết kế một mô hình kinh doanh có tính đón đầu tốt hơn.
4. Quản lý và định hướng bằng danh mục mô hình kinh doanh
Mô hình kinh doanh Canvas giúp bạn hiểu rõ làm thế nào mà doanh nghiệp tạo ra tiền ngày hôm nay nhưng liệu trong tương lai với sự biến động của nhu cầu khách hàng, của cạnh tranh và nhiều yếu tố khác việc tạo ra nguồn doanh thu có bền vững. Việc phát triển bền vững doanh nghiệp đòi hỏi sáng tạo ra nhiều mô hình kinh doanh khác nhau từ việc cải tiến mô hình hiệu tại, hoặc phát triển mô hình mới dựa trên với các sản phẩm, thương hiệu mới. Việc ra quyết định lựa chọn hướng đi nào doanh nghiệp trong hiện tại và tương lai phụ thuộc nhiều vào việc chuẩn bị trước một danh mục các mô hình tiềm năng và quản lý chúng.
5. Cải tiến bằng việc thiết kế, thử nghiệm và tạo động lực tăng trưởng mới
Huyền thoại quyền anh Mike Tyson đã từng trả lời khi được hỏi về chiến lược của anh trước trận đấu: “Mọi võ sĩ điều có một kế hoạch cho đến khi họ ăn đấm vào mồm” Việc có một mô hình, một kế hoạch không được phép tách rời với công việc quan trọng đặc biệt với các start-up hoặc các doanh nghiệp triển khai mô hình mới là luôn phải trả lời câu hỏi mô hình của tôi tạo ra giá trị nào và tại sao khách hàng lại mua nó, thay đổi, thử nghiệm và vận hành để tìm ra những động lực tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Điều này chính là trái tim của mô hình và gắn chặt với ô Giá trị cốt lõi của mô hình Canvas.
6. Vườn ươm những ý tưởng mới
Mô hình Canvas là công cụ tuyệt vời để nảy sinh ra các ý tưởng kinh doanh mới, nó như một ngôn ngữ thống nhất cho phép so sánh và quản lý tất các loại ý tưởng từ việc thay đổi qui trình, thay đổi sản phẩm, các ý tưởng từ các đội nhóm khác nhau, hay các cách thay đổi để thích nghi mô hình hoặc tạo ra động lực tăng trưởng mới.
7. Thấu hiểu mô hình của đối tác và khách hàng
Trong các mô hình kinh doanh có chuỗi giá trị ảnh hưởng lẫn nhau như mô hình phân phối, mô hình bán hàng cho doanh nghiệp hay mô hình đối tác. Việc dùng mô hình Canvas để khắc họa mỗi thành phần trong chuỗi giá trị giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn các đối tác và khách hàng doanh nghiệp của chính mình từ đó có thể đưa ra các giải pháp tốt hơn, những giá trị lớn hơn từ việc hiểu và xem xét vấn đề của chính đối tác qua mô hình Canvas.
8. Chuỗi liên kết hệ thống quản trị
Như đã nêu ở phần mở đầu qua quá trình nghiên cứu khoảng hơn 60 mô hình quản trị doanh nghiệp, mô hình Canvas là một trong số ít các mô hình đặc biệt tạo ra được chuỗi liên kết xuyên suốt cho quá trình quản trị doanh nghiệp từ tầng lãnh đạo với các mục tiêu chiến lược, đến các giám đốc điều hành chuyên môn ở tầng chiến thuật và cuối cùng là các đơn vị chuyên môn ở tầng thực thi và vận hành. Doanh nghiệp sẽ càng tạo ra được giá trị lớn hơn khi 3 tầng quản trị này được liên kết chặt chẽ, còn điều gì tuyệt vời hơn khi bức tranh tầm nhìn của nhà lãnh đạo dần được hiện ra dưới sự liên kết và dẫn dắt của các nhà quản lý và sự thực hiện của các nhà chuyên môn giúp cỗ máy doanh nghiệp hoạt động trơn tru trên con đường thực hiện sứ mệnh của mình.
9. Định hướng tầm nhìn toàn doanh nghiệp
Rất nhiều nhà lãnh đạo thất bại trong việc truyền thông chiến lược của doanh nghiệp tới các đơn vị cấp thấp hơn ngay cả tới các giám đốc điều hành chiến lược, và chiến lược ngày càng lu mờ khi nó tới được các đơn vị thực thị trực tiếp ở cấp thấp hơn. Canvas giúp giải quyết điều này bằng một mô hình được tối giản hóa và dễ dàng điều chỉnh và minh họa chiến lược. Điều này đặc biệt hữu ích khi áp dụng để liên kết các mảng chức năng chuyên môn. Những con người từ tiếp thị, công nghệ, kỹ thuật, tài chính, và như vậy có thể tất cả cùng nhau làm việc xung quanh một ngôn ngữ chung để thảo luận về ý tưởng của họ. Cho dù đó là ý tưởng mới, các doanh nghiệp mới, hoặc mô hình kinh doanh mới sẽ được phát triển, Canvas trở thành trung tâm, công cụ thống nhất để tập trung các cuộc trò chuyện. Canvas không chỉ cung cấp một ngôn ngữ chung để làm cho cuộc trò chuyện tốt hơn , nó cũng làm cho cuộc hội thoại chiến lược hơn, và đặc biệt, và kết quả là toàn bộ doanh nghiệp thực sự có thể thực hiện được nó. Với việc mô hình hóa chiến lược bằng những hình ảnh vô cùng trực quan, Canvas đóng vai trò mạnh mẽ trong việc phổ biến bản đồ chiến lược làm định hướng rõ ràng cho việc thực thi và qui tụ toàn đội nhóm cùng hướng đến mục tiêu chung và cùng vun đắp thực hiện nó.
10. Ngôn ngữ kinh doanh chung toàn cầu
Vượt ra ngoài ngôn ngữ chung của tổ chức, mô hình kinh doanh Canvas là một công cụ tuyệt với giúp các cộng đồng kinh doanh toàn cầu có thể học hỏi và trao đổi lẫn nhau về bài toán kinh doanh và quản trị của mỗi doanh nghiệp. Giúp cải tiến, sao chép, sáng tạo và ứng dụng để tạo ra những kết quả khác nhau tại khắp nơi trên toàn thế giới cho dù có những khác biệt về thị trường, sức mua, công nghệ và các yếu tố khác.
11. Tổ chức bộ máy vận hành
Mô hình Canvas tạo ra tính liên kết và dẫn dắt bộ máy hoạt động bởi vì nó thể hiện toàn bộ các yếu tố cốt lõi của sơ đồ vận hành doanh nghiệp để thực hiện chiến lược. Nó trả lời cho câu hỏi bạn phải tổ chức bộ máy ra sao? Cần phải tập trung nguồn lực vào hoạt động nào? Các hoạt động này có ảnh hưởng tương tác để các hoạt động khác ra sao? Cần thiết kế qui trình vận hành như thế nào? Phần “Sân khấu” Canvas mô tả các hoạt động liên quan đến khách hàng như giá trị cốt lõi, kênh phân phối truyền thông, phân nhóm khách hàng, mối quan hệ để cấu thành nên nguồn thu. Phần “Cánh gà” mô tả các nguồn lực, các hoạt động, và các đối tác, những thứ bạn cần để tạo giá trị và cấu thành nên chi phí. Toàn bộ máy vận hành được dẫn dắt bởi những mảng được coi là trọng yếu của mỗi mô hình kinh doanh, đây là tâm điểm để quyết định các vấn đề tổ chức bộ máy vận hành doanh nghiệp.
12. Ra quyết định đầu tư
Mô hình Canvas làm cho cơ hội kinh doanh rõ ràng và là một bản hướng dẫn để ra quyết định đầu tư vào các mô hình khác nhau hoặc tập trung đầu tư vào mảng trong một mô hình. Điều này đúng cho cả việc cải thiện mô hình kinh doanh hiện tại hoặc để phát minh ra mô hình kinh doanh hoàn toàn mới. Thông thường sẽ là dễ dàng hơn để tạo ra doanh thu nhanh chóng từ các mô hình kinh doanh hiện tại và khó khăn hơn để tạo ra doanh thu lâu dài từ những mô hình mới.
13. Mô hình nhượng quyền kinh doanh
Hai yếu tố để quyết định mô hình kinh doanh của bạn có hiệu quả hay không là mô hình có sinh lời không? Và nó có khả năng nhân rộng lớn tới chừng nào? Một đáp án trả lời cho câu hỏi trên đó là thiết kế mô hình nhượng quyền kinh doanh, mô hình nhiều người muốn mua và hoạt động không giới hạn bởi vùng địa lý, bạn có thể mang nó ứng dụng tại miền Nam hay miền Bắc, quốc gia này hoặc quốc gia kia, không giới hạn bởi người sở hữu và vận hành. Bằng Canvas những yếu tố này cần phải tính đến ngay từ khi thiết kế mô hình kinh doanh, đâu là yếu tố giúp bạn “bán” được mô hình: Lợi nhuận tạo ra của mô hình là bao nhiêu? Tốc độ tăng trưởng như thế nào? Và quan trọng nhất là việc tổ chức bộ máy ra sao cho người mua có thể đảm bảo mô hình vẫn tốt như khi bạn vẫn vận hành nó.
14. Chiến lược rút lui (IPO, mua lại)
Ứng dụng cuối cùng trong bài tổng hợp này là sử dụng Canvas trong bối cảnh chiến lược rút lui. Khi đánh giá các cơ hội mang lại một tổ chức trong thị trường đang hoạt động, bạn có thể sử dụng Canvas để xác định nơi bạn sẽ phân bổ tiền, làm thế nào bạn sẽ tạo ra giá trị tốt hơn, làm thế nào bạn sẽ có được nhiều khách hàng hơn, hoặc làm thế nào để giảm chi phí và tăng doanh thu của bạn. Kể cả khi những câu trả lời của những đáp án này là tốt hay không, nó cũng giúp bạn cân nhắc để ra những chiến lược rút lui ra khỏi thị trường một cách có hiệu quả nhất bằng việc bán lại một phần hay toàn phần doanh nghiệp.
-----------------
SME Hospital
Share
& Comment
Tweet