Giáo sư Jo Yong Hun là một nhà nguyên cứu về khoa học dân gian truyền thống như phong thủy, tài vận. Một ngày nọ, ông gặp tiên sinh Ha Geum Gok – một bậc thầy về Mạnh Tử, hai người đã đàm đạo “Vận may là gì” và “Phải làm thế nào để đạt được vận may lớn trong đời”.
Geum Gok tiên sinh nói để gặp được đại vận, cần phải có đủ bốn điều kiện. Trong cuộc đời mỗi người, đại vận tìm đến khoảng hai, ba lần, nhưng chúng ta có thể đón nhận vận may lớn đến mức nào, điều này tùy thuộc vào việc đã chuẩn bị được đến đâu.
Geum Gok tiên sinh nói để gặp được đại vận, cần phải có đủ bốn điều kiện. Trong cuộc đời mỗi người, đại vận tìm đến khoảng hai, ba lần, nhưng chúng ta có thể đón nhận vận may lớn đến mức nào, điều này tùy thuộc vào việc đã chuẩn bị được đến đâu.
1) Phát ngôn phải kiệm lời.
2) Câu chữ rườm rà nên hạn chế.
3) Sắc diện phải tốt.
4) Giày xếp phải cho ngay ngắn. (*)
(*) Người Hàn Quốc có thói quen cởi giày, xếp ở gần cửa ra vào trước khi bước vào nhà.
Điều 1 và điều 2 thì có thể hiểu được. Nào là “Im lặng là vàng”, “Tai có hai mà miệng chỉ có một”, “Tai khó bưng nhưng miệng thì ngậm lại được”… Muốn thành công thì đừng nói quá nhiều – chúng ta rất hay được nghe những lời khuyên như vậy. Chẳng những thế, nói năng vòng vo rườm rà còn dễ mua thêm hiểu lầm không cần thiết hoặc bị người đời đàm tiếu. Điều 3 nói về sắc diện cũng có thể hiểu được. Sắc diện tốt nghĩa là duy trì được một cơ thể khỏe mạnh và một tinh thần khoáng đạt. Đương nhiên đây cũng là điều kiện cần thiết để có thể đón nhận thời vận của mình.
Vậy nhưng điều 4 thì có chút khó hiểu. Giờ đang là thời khắc đón nhận đại vận, tức là vận may “cực kỳ lớn” trong đời người, vậy mà lại khuyên ta phải xếp giày cho ngay ngắn, chẳng phải là quá tủn mủn sao? Hãy mơ ước những điều to lớn, hãy luôn giúp đỡ những người khó khăn, hãy tìm thầy tốt và học tập hết mình… những việc quan trọng như thế thì lại không hề được nhắc đến.
Sau khi con cả của tôi vào đại học, tôi không can thiệp quá nhiều vào đời sống của con nữa. Bây giờ, con đã là người lớn, không cần tôi phải chỉ bảo từng chút một nữa, nhưng tôi chỉ yêu cầu con duy nhất một điều.
Tất nhiên, những việc tôi muốn nhắc nhở không phải chỉ có một hai chuyện. Chăm chỉ học hành, sáng dậy sớm, tối về nhà sớm, đừng uống nhiều rượu quá, tuyệt đối không hút thuốc, chăm tập thể dục, chịu khó tập nhạc cụ nào đó, như guitar chẳng hạn… đủ thứ chuyện như thế, nhưng tôi quyết định chỉ yêu cầu đúng một việc.
Đó là phải dọn phòng.
Việc tôi coi trọng dọn phòng hơn tất cả những việc khác cũng giống như chuyện “xếp giày” của tiên sinh Geum Gok. Bởi tôi tin ý thức tu thân từ việc nhỏ là điểm then chốt của mọi thành công. Theo cách diễn đạt của tiên sinh, đó chính là sức mạnh của việc tu thân. “Nhìn đôi giày của một người được cởi ra để đó, có thể hiểu được tình trạng tu thân hay thái độ sống thường ngày của họ. Nếu giày quăng lộn xộn thì chưa đạt được mức căn bản, chưa đủ căn bản thì không thể nào đón nhận đại vận đến với mình được.” Đúng vậy! Nếu ngẫm lại thì dường như chính từ lúc căn phòng trở nên gọn gàng sạch sẽ, tôi đã bắt đầu thay đổi, từ một kẻ thất bại trong thi cử thành một nghiên cứu sinh gương mẫu.
Một ngày nọ, tôi đọc được trên báo một bài viết rất thú vị. Bài viết nói về triết lý kinh doanh của giám đốc Jung Woo Hyun của Mr. Pizza – nhãn hiệu pizza chiếm vị trí số 1 về số lượng cửa hàng giữa lúc thị trường pizza tại Hàn Quốc đang do các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu nắm giữ.
“Phương châm của chúng tôi là ‘Hãy xếp giày gọn gàng’. Không màu mè hình thức, mà hãy khiếm tốn, chân thành và hết lòng. Tôi tin rằng đây chính là đẳng cấp thực sự của vị trí số 1.”
Điều này khiến tôi không khỏi kinh ngạc. Mr. Pizza sở hữu hơn 400 cửa hàng tại Hàn Quốc, và đang ngày càng lớn mạnh, vươn tới cả Trung Quốc, Mỹ, Việt Nam. Nhưng bí quyết thành công của Mr. Pizza không phải là ở những khẩu hiệu rất kêu như “Chất lượng là số 1”, “Khách hàng là thượng đế”… mà chỉ là “Hãy xếp giày gọn gàng”. Năm 2008, sau khi vươn lên vị trí số 1 trong ngành, thông qua một cuộc thi trong nội bộ công ty, Mr. Pizza đã chọn ra phương châm này. Không rõ có chịu ảnh hưởng từ tiên sinh Jo Yong Hun hay không, nhưng rõ ràng bí quyết của thành công lớn quả nhiên nằm ở những điều rất nhỏ.
Học giả Trung Quốc Uông Trung Cầu có viết một cuốn sách tựa đề Sức mạnh của tiểu tiết, cuốn sách này đã trở thành đề tài được nhiều người bàn luận. Rốt cuộc, điều then chốt của sức cạnh tranh lại chính là những tiểu tiết nhỏ nhặt, bình thường. Đây là cuốn sách thức tỉnh người Trung Quốc với tư tưởng chuộng những thứ to lớn và mạnh mẽ, coi thường những chi tiết nhỏ bé, nhưng cuốn sách cũng có thể áp dụng vào cuộc đời con người.
“100 – 1 = 0”, 100 trừ đi 1, còn lại không phải là 99, mà là 0. Thứ làm hỏng đại sự không phải sai lầm gì khủng khiếp, mà chỉ là một vết nứt rất nhỏ. Cũng với nguyên lý đó, việc tạo dựng thành công vĩ đại không phải là làm “một cú lớn” trong đời, mà là tổng hợp của nhiều chi tiết nhỏ.
Vì thế, tôi thường bảo con tôi nếu có thời gian thì dọn dẹp phòng môt chút đi, nhưng phòng con tôi nhiều lúc vẫn bừa bãi. Không phải là tôi không thấy phiền lòng, nhưng tôi có thể hiểu được. Giữ cho phòng mình sạch sẽ gọn gàng thực chất là một việc cực kỳ khó. Nếu bạn hỏi là khó đến mức nào, thì việc đó khó ngang với “bí quyết số 1 dẫn đến thành công”. Nếu việc đó dễ thì làm gì có ai không làm được chứ?
Trong bộ phim Any Given Suday mà Al Pacino đã diễn xuất đầy cảm xúc, có một đoạn lời thoại như thế này:
“Bóng bầu dục là một môn thể thảo tính bằng từng inch. Cuộc đời thực ra cũng như vậy. Một inch then chốt đó hiện diện ở khắp nơi, chúng tập hợp lại và quyết định chuyện thắng bại, sinh tử của đời người. Trong bất cứ trận đấu nào, chỉ có kẻ liều chết mới dành được 1 inch ấy. Mong ước của tôi là tìm được một inch đó rồi chết, cuộc sống chính là như vậy.”
Phòng của bạn, giày của bạn thì sao? Đây không chỉ là vấn đề giữ cho sạch sẽ hay thu dọn gọn gàng, ngăn nắp. Mà là vấn đề về thực tiễn và phương thức sống biết chăm lo cho chỗ ở của mình. Cũng là tượng trưng cho sự cẩn trọng và kiên trì giúp tạo nên một sự khác biệt nhỏ – một inch quyết định thành bại trong đời người.
Trích “Trưởng thành sau ngàn lần tranh đấu” - Tác giả Rando Kim"Chúa ở trong từng chi tiết" - Ludwig Mies van der Rohe
Share
& Comment
Tweet